Thứ Bảy , 27/04/2024

Bình đẳng về cơ hội cho phụ nữ trong chính sách, pháp luật và thực tiễn

Từ năm 1975, các chương trình phát triển toàn cầu luôn quan tâm đến phụ nữ trong vai trò là tác nhân của sự phát triển với phương châm “không có tiến bộ trong hoàn cảnh của phụ nữ thì không có phát triển xã hội đích thực. Nhân quyền sẽ không xứng đáng với nhân xưng nếu loại trừ phân nửa của nhân loại là phụ nữ. Cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ là một phần gắn liền với cuộc đấu tranh cho một thế giới tốt hơn cho mọi người, mọi xã hội”(1). Trong 38 năm qua, Liên hợp quốc đã tổ chức 04 hội nghị quốc tế về phụ nữ, ban hành Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW, 1979); xác định “nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ”; “cải thiện sức khỏe bà mẹ” là 02 trong 08 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (2000)…
Nữ ĐBQH bên hành lang kỳ họp. Ảnh: internet

Là quốc gia thành viên Liên hợp quốc, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thực hiện nam nữ bình quyền và bình đẳng giới, coi đó là nền tảng pháp lý và thực tiễn quan trọng để Việt Nam tham gia tích cực các hội nghị quốc tế về phụ nữ, trở thành nước thứ 6 trên thế giới tham gia và phê chuẩn CEDAW ngay sau khi Công ước này được mở ký, đồng thời thực thi tương đối hiệu quả các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã cam kết.

Các quy định pháp luật, chính sách bảo đảm bình đẳng giới và sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ được ban hành và thực thi trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự tham gia, đóng góp và trưởng thành của phụ nữ ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 2013, ngoài quy định mang tính hiến định về nguyên tắc “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt” kế thừa từ Hiến pháp năm 1992, đã bổ sung “cơ hội bình đẳng giới” vào khoản 1 Điều 26 có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong vai trò thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Nhà nước ta. Nguyên tắc hiến định này khi được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật và thực tế sẽ thúc đẩy quá trình cân bằng giá trị bình đẳng giới thực chất ở nước ta song song với bình đẳng về quyền vốn đã trở thành thương hiệu quốc gia, được bạn bè quốc tế đánh giá cao trong nhiều thập kỷ qua.

Phụ nữ chiếm 50,5% dân số(2), trên 47% lực lượng lao động xã hội, là người mẹ – “người thầy đầu tiên của con người”(3), đã có nhiều đóng góp trí tuệ, tâm sức thiết thực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và góp phần bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao có sức khỏe, trình độ, năng lực, hiểu biết, có ý thức tự lập, ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh, ý thức chia sẻ với những người xung quanh và cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, so với khả năng thực tế của bản thân và những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, đất nước, nhiều phụ nữ trình độ văn hoá và chuyên môn còn thấp, thể lực yếu, hiểu biết xã hội hẹp, kỹ năng sống chưa toàn diện, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một bộ phận phụ nữ còn tâm lý tự ti, thiếu mạnh dạn, quyết đoán, chưa cân đối hài hòa giữa nhu cầu ngày càng cao của đời sống gia đình với những đòi hỏi khắt khe khi tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội nên không có thời gian chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ, hiểu biết cho bản thân và quan tâm toàn diện đến con cái. Đồng thời, phụ nữ còn chịu tác động bởi tư tưởng trọng nam hơn nữ còn tồn tại trong cách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ trong lao động, giáo dục, y tế… mặc nhiên trở thành rào cản sự tham gia, đóng góp và hưởng thành quả lao động của phụ nữ. Vẫn còn tới 42% chủ sử dụng lao động không muốn tuyển lao động nữ vì họ phải sinh con và chăm sóc gia đình, doanh nghiệp phải thực hiện chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật dẫn đến chi phí cho lao động nữ cao làm cho chi phí sản xuất cao hơn(4)…

Để tiếp tục góp phần vào những nỗ lực chung của đất nước, phụ nữ cần phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những khó khăn, tìm ra các giải pháp phù hợp để rèn luyện sự tự tin, tự chủ, tự lập, tự cường; tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn và nhận thức, hiểu biết về kỹ năng sống; tăng cường thể lực, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tinh thần; xóa bỏ tâm lý tự ti, an phận, cam chịu, định kiến; thiếu mạnh dạn, quyết đoán. Tổ chức hợp lý các công việc gia đình, tạo cơ hội để các thành viên cùng chia sẻ trên cơ sở điều kiện thực tế và phù hợp với lứa tuổi của mỗi người; giải quyết kịp thời, khéo léo và hiệu quả các mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình; giữ gìn phẩm chất, đạo đức của phụ nữ, của người mẹ để làm gương cho con, cháu. Tham gia trực tiếp và gián tiếp vào các hoạt động xây dựng Đảng và quản lý nhà nước; tích cực thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đất nước; thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả các quy định pháp luật và chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương; kịp thời phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới; thiết lập mối quan hệ hợp tác, chia sẻ trên tinh thần thiện chí, yêu thương, hài hòa, cảm thông với phụ nữ và đồng nghiệp; mạnh dạn thể hiện quan điểm, chính kiến trong các hoạt động cộng đồng, cơ quan, tổ chức… Đây là những giải pháp quan trọng, nhưng phụ nữ chỉ có thể thực hiện được bình đẳng về cơ hội khi được Đảng, Nhà nước, xã hội và gia đình quan tâm hợp lý.

Bình đẳng về quyền được thiết lập dựa trên giá trị nhân quyền cơ bản của con người không quan tâm đến giới tính thực tế của họ và được thực hiện theo phương thức: đối xử bình đẳng để bảo đảm bình đẳng (nghĩa là quy định cho phụ nữ và nam giới những quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ hoặc điều kiện… như nhau). Ví dụ, Điều 20 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định 05 điều kiện để công chức được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ gồm: “1) Có thời gian công tác từ đủ 5 năm trở lên; 2) Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm; 3) Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo; 4) Có cam kết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo; 5) Có ít nhất 03 năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Đây là cách tiếp cận được sử dụng trong một thời gian dài ở nước ta dưới hình thức sử dụng cho các chủ thể “mọi người”, “cán bộ, công chức, viên chức”, “người lao động”… và được mặc nhiên áp dụng như nhau đối với cả nam và nữ.

Tuy nhiên, khi phân tích các điều kiện này trong tương quan giữa công chức nam và nữ sẽ xuất hiện sự chênh lệch về số năm cơ hội thực hiện quyền của mỗi người theo hướng bất lợi nghiêng về nữ (thấp hơn 4 – 5 năm so với nam). Sự chênh lệch này bắt nguồn từ khoảng trống gián đoạn thời gian mang thai, sinh con và nuôi con dưới 12 tháng, 24 và 36 tháng tuổi(5) (đáp ứng điều kiện 3) và chênh lệch 5 năm nghỉ hưu (đáp ứng điều kiện 4). Theo đó, với tổng thời gian cơ hội thực có (khoảng 13 năm(6)), nam giới có thể đạt học vị tiến sĩ dễ dàng hơn so với phụ nữ. Vì vậy, trong trường hợp này, nếu không có quy định khác dành riêng cho công chức nữ với tư cách là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới(7) để bù đắp khoảng trống giá trị mà phụ nữ đã thực hiện cho việc tái tạo nguồn nhân lực quốc gia, chắc chắn bình đẳng giới thực chất(8) sẽ không thể đạt được. Đây chính là phương thức đối xử khác biệt để tạo ra bình đẳng về cơ hội được thiết lập dựa trên đặc thù thiên chức người mẹ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Bình đẳng giới, phương thức đối xử này không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

Quy định khác biệt dành cho công chức nữ trong ví dụ này có thể theo hướng bỏ điều kiện 1 hoặc thay đổi các điều kiện 3, điều kiện 4 phù hợp với độ tuổi sinh con của họ. Ví dụ, đối với công chức nữ có con thứ 2 từ sau tuổi 28: áp dụng điều kiện 3 “không quá 43 tuổi” và điều kiện 4 “phục vụ sau đào tạo thạc sĩ gấp 3 lần, tiến sĩ gấp 1,2 lần”. Đối với công chức nữ có 2 con sau tuổi 28: áp dụng điều kiện 3 “không quá 46 tuổi” và điều kiện 4 “phục vụ sau đào tạo thạc sĩ gấp 2 lần, tiến sĩ bằng thời gian đào tạo”. Những quy định này tuy khác nam, nhưng không phải là ưu tiên nữ, mà là biện pháp bảo đảm số năm cơ hội của nữ không bị ảnh hưởng do thiên chức tự nhiên mà nam giới không có.

Từ ví dụ trên cho thấy, bình đẳng về cơ hội cho phụ nữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chức nghiệp của bản thân họ và giải quyết những vấn đề liên quan khác của địa phương, đất nước. Điều này đòi hỏi những người có trách nhiệm trong xây dựng, thực thi pháp luật và triển khai các hoạt động cần hiểu rõ những điểm khác biệt của phụ nữ so với nam giới, bao gồm:

1. Khác biệt về cấu trúc cơ thể: tính trung bình, phụ nữ có dáng vóc nhỏ hơn, nhẹ cân hơn và thấp hơn nam giới (kể cả trường hợp suốt đời họ không sinh con): chiều cao đứng thấp hơn 10 cm, chiều cao ngồi thấp hơn 4.8 cm, vòng ngực nhỏ hơn 3.5 cm, cơ lực thân ít hơn 49.5 kg, cơ lực tay phải ít hơn 17 kg và cân nặng nhẹ hơn 7.6 kg so với nam(9). Đặc điểm này do giới tính thực tế quyết định thông qua cơ chế thiết lập mối quan hệ bên trong chặt chẽ giữa phụ nữ với đứa trẻ về thể lực và trí lực(10) khi thực hiện thiên chức người mẹ.

Do đó, cần có những quy định, chính sách và hành động hợp lý về trang thiết bị, đồ dùng cá nhân sử dụng trong công việc; xác định năng suất lao động phù hợp; khuyến khích sự chia sẻ hài hòa và thiện chí của nam giới để tránh nguy cơ phụ nữ buộc phải gồng mình bảo đảm chuẩn sức khỏe thể lực theo chuẩn của nam giới để hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cơ hội duy trì độ dẻo dai, khả năng bền vững hợp lý về thể lực thực tế để đáp ứng đòi hỏi công việc ngày càng cao của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thông qua đó không làm xuất hiện hiện tượng buông xuôi về tâm lý, tự ti về thái độ và mâu thuẫn về hành vi của phụ nữ nhằm không tạo ra cơ hội để một bộ phận nam giới ngộ nhận về vị trí, vai trò của mình quan trọng hơn phụ nữ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. 

2. Khác biệt về khả năng tư duy và thực hiện công việc: do cấu tạo tự nhiên của não, phụ nữ có khả năng phát triển ngôn ngữ, tư duy trực tiếp, tỉ mỉ tốt hơn tư duy trừu tượng nên họ thường tham gia và phát huy lợi thế tốt trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học xã hội nhân văn, báo chí, thông tin, chế biến, ngân hàng… nhiều hơn lĩnh vực khoa học tự nhiên, an ninh, quốc phòng, vận tải, khai thác mỏ, xây dựng và kiến trúc.

Với sự khác biệt này, cần hướng đến việc hỗ trợ phụ nữ khai thác, phát huy điểm mạnh một cách hợp lý, thông qua đó hạn chế bất lợi có thể nảy sinh trong thực tế và cần có các chính sách hỗ trợ để giảm thiểu khoảng cách về lương, thu nhập, thời gian… của nữ so với nam. 

3. Khác biệt về chức năng sinh sản: khi phụ nữ thực hiện thiên chức người mẹ, thể lực của họ thay đổi do sự thay đổi nội tiết tố diễn ra tự nhiên bên trong cơ thể. Đồng thời, quá trình lão hóa tự nhiên theo chu kỳ của chức năng sinh sản cũng ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể lực và tinh thần của họ. Điều này không diễn ra ở nam giới. Khi nam giới thực hiện thiên chức người cha, mọi vấn đề liên quan đến thể lực của họ không bị suy giảm, thậm chí còn có thể tốt hơn nếu họ biết tận dụng thời gian thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao và sinh hoạt cá nhân hợp lý. 

Do sự khác biệt này, phụ nữ làm công ăn lương có sự gián đoạn thời gian(11) làm việc thực tế so với nam giới, bao gồm 7 ngày nghỉ cho mỗi lần đặt vòng tránh thai; 10 – 50 ngày nghỉ do sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu(12); 370 – 390 ngày khám thai và sinh 2 con(13); 90 ngày nghỉ nếu sinh con nhưng con chết dưới 60 ngày tuổi; 30 ngày nếu con chết từ 60 ngày tuổi trở lên; 20 ngày nghỉ chăm con ốm dưới ba tuổi, 15 ngày nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi…

Đây là khoảng thời gian gián đoạn cần thiết để bảo vệ thai sản cho phụ nữ, tuyệt đối không được sử dụng để nhìn nhận, đánh giá khả năng thực tế của phụ nữ theo hướng thiên lệch thấp hơn so với nam giới. Đây là chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ, không bị coi là phân biệt đối xử về giới theo khoản 3 Điều 6 Luật Bình đẳng giới.

Ngoài ra, do còn định kiến về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, nỗ lực bảo đảm bình đẳng về cơ hội cho phụ nữ cần tính thêm 2 khía cạnh sau:

– Khi gia đình có người thân đau ốm, phụ nữ là người chăm sóc chính nên thực tế thời gian làm việc cũng bị gián đoạn. Sau khi sử dụng hết số ngày phép theo quy định, đa số phụ nữ xin nghỉ không hưởng lương nếu không thuê được người chăm sóc thay thế hoặc tự mình muốn chăm sóc người thân. Thời gian gián đoạn thực tế tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và việc quyết định nghỉ nhiều hay ít của chính phụ nữ, nhưng dù chỉ nghỉ một vài ngày cũng có những thua thiệt nhất định so với nam giới trong cùng cơ quan, đơn vị về cơ hội và sự hưởng thụ thành quả thực tế.

– Phụ nữ nhiều gánh nặng công việc gia đình hơn nam giới. Ngoài thời gian lao động có thu nhập như nam giới, phụ nữ còn dành trung bình 4 giờ cho công việc phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên gia đình (cao gấp đôi nam giới)(14). Quỹ thời gian còn lại 4 giờ của phụ nữ tập trung chủ yếu vào buổi tối, chịu ảnh hưởng và chi phối bởi nhiều công việc liên quan khác nên thực tế họ rất ít thời gian chăm sóc sức khỏe và tinh thần để tái tạo sức lao động. Việc theo dõi và cập nhật thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng của họ cũng bị hạn chế do nhường phương tiện nghe nhìn cho con, cho chồng thỏa mãn những đam mê cá nhân liên quan đến thể thao, phim ảnh…

Những khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế nhiều năm qua chưa được nhìn nhận đúng mức và có giải pháp hợp lý nên đa phần phụ nữ phải gồng mình san sẻ thể lực để giải quyết tốt những vấn đề của bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Vì vậy, tuy tuổi thọ cao hơn nam giới nhưng phần lớn phụ nữ sống trong tình trạng không khỏe mạnh(15).

 Để hành động vì mục tiêu bình đẳng giới thực chất, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, phân tích kỹ và nhiều chiều các phương án chính sách, dự thảo quy định pháp luật hoặc dự kiến hoạt động trong mối tương quan với những tác động, ảnh hưởng từ sự khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế của phụ nữ trước khi quyết định ban hành để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới.

Hai là, đổi mới cách tiếp cận với phụ nữ, phân loại các nhóm phụ nữ khác nhau, tiến tới việc nhìn nhận phụ nữ là đối tác chứ không chỉ là người được thụ hưởng, người được bảo hộ, bảo vệ để xác định rõ phương pháp tổ chức các hoạt động phù hợp; xác định các nhiệm vụ, các hoạt động bảo đảm giải quyết và góp phần giải quyết những vấn đề riêng cho phụ nữ (trình độ, năng lực, công việc, sở thích cá nhân) và liên quan đến gia đình, con cái; tiếp cận giải quyết những vấn đề của phụ nữ trong mối tương quan với nam giới…

Ba là, bảo đảm hài hòa những đặc điểm về thể chất, tâm sinh lý với những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra, có chú ý đến những điểm khác biệt so với nam giới trong chính sách và thực tế để phát huy năng lực nghề nghiệp của phụ nữ một cách hiệu quả và hợp lý.

Bốn là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách gây bất lợi đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tăng các chính sách bù đắp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm cụ thể:

+ Đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức: chính sách, quy định pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại, quy hoạch, bổ nhiệm, các vấn đề an sinh xã hội hỗ trợ hài hòa công việc xã hội, gia đình và tuổi lao động.

+ Đối với phụ nữ nông thôn: chính sách, quy định pháp luật bảo đảm cơ hội và tạo điều kiện để xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu; tổ chức tốt cuộc sống gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con tốt; bảo hiểm xã hội (thai sản, tuổi già); an toàn và vệ sinh lao động…

+ Đối với lao động nữ (đặc biệt lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động ngoài nhà nước): chính sách, quy định pháp luật về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, việc làm ổn định, tiền lương và thu nhập…

+ Đối với phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cá thể: chính sách, quy định pháp luật bảo đảm cơ hội và tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, xuất khẩu hàng hóa và có giảm thuế trong thời gian nghỉ sinh con.

Năm là, ban hành và thực thi các biện pháp mạnh để xoá bỏ định kiến giới; tăng cường các biện pháp khôi phục hương ước lành mạnh; coi trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ…

Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,  phụ nữ có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít khó khăn thách thức về mọi mặt. Do đó, bên cạnh việc tích cực phát huy những thành tích và vai trò to lớn đã đạt được, đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng đất nước ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về an ninh, quốc phòng và công bằng, dân chủ, văn minh, phụ nữ Việt Nam tiếp tục mong đợi những nghị quyết, định hướng mới của Đảng và quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước theo hướng bình đẳng giới rõ ràng, có tính đến đặc thù giới tính nữ để tự tin, tự chủ, tự lực, xứng đáng với truyền thống của phụ nữ đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.

ThS. Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam

—————————-

Ghi chú:

(1) Nguồn: phát biểu của Nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Butros – Butros Ghali.

(2) Tổng điều tra dân số và nhà ở tháng 4/2009.

(3) Nghị quyết 04/NQ-TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới.

(4) Nguồn: Thông tin Phụ nữ tháng 3/2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

(5) Tùy thuộc vào thời điểm lấy chồng, sinh con thực tế của mỗi người và theo thời gian quy định của từng văn bản quy phạm pháp luật khác nhau dành cho phụ nữ sinh con.

(6) Được tính từ tuổi 27 đến 40.

(7) Khoản 6 Điều 5 Luật Bình đẳng giới.

(8) Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực; thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

(9) Nguồn: Viện Khoa học bảo hộ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 2002.

(10) Người mẹ khỏe mạnh, thông minh, có kiến thức, kỹ năng tốt sẽ sinh con không suy dinh dưỡng, phát triển chậm… (ngoại trừ những tác động khách quan khác mà bản thân phụ nữ không lường trước được).

(11) Tính theo quy định hiện hành của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(12) 10 ngày nếu thai nhi dưới 1 tháng; 20 ngày nếu thai nhi từ 1 đến dưới 3 tháng; 40 ngày nếu thai nhi từ 3 tháng đến dưới 6 tháng; 50 ngày nếu thai nhi từ 6 tháng trở lên.

(13) Mỗi con nghỉ 05 ngày nghỉ khám thai hoặc 10 ngày nếu ở xa cơ sở y tế hoặc mang thai có bệnh lý, thai không bình thường; 180 ngày nghỉ sinh con; nếu sinh đôi, sinh ba sẽ cộng thêm 30 ngày/con.

(14) Nguồn: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

(15) “Điều tra dịch tễ học về tình hình bệnh tật, nhu cầu chăm sóc y tế và xã hội của người cao tuổi Việt Nam” của Viện Lão khoa thực hiện năm 2007 với 796 phụ nữ cao tuổi cho thấy 45,6% tăng huyết áp; 5,7% mắc bệnh tâm thần; 48,1% rối loạn lipit máu; 18,5% bị táo bón; 10% bệnh phổi phế quản tắc nghẹn mãn tính; 42,3% mắc bệnh thoái khớp; 14,4% bị loãng xương… Nguồn: PGS.TS. Phạm Thắng, Tạp chí Dân số và Phát triển (số 4/2007), Website Tổng cục DS-KHHGĐ.

Trong khoảng Hưng Hà Phụ nữ

Tin liên quan

Hội LHPN xã Độc Lập ra mắt mô hình CLB “ Thu hút hội viên phụ nữ cao tuổi tham gia vào sinh hoạt tổ chức Hội”

          Chiều ngày 9/11, Hội LHPN xã Độc Lập ra mắt …