Ánh nắng vàng nhẹ mỏng manh cuối thu như mời gọi những nụ hoa mẫu đơn hé nở, cả cánh đồng rực rỡ, lung linh thắp sáng cả một vùng trời. Từ cánh đồng chiêm trũng, bỏ hoang, nữ kỹ sư trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội đã biến nơi đây thành “vương quốc hoa” đẹp như cổ tích.
“Nản chí không phải tính cách của tôi”
Lấm lem trong bộ trang phục lao động, nữ kỹ sư Đoàn Thị Khuyên tất bật hết ruộng hoa này lại sang luống cây khác. Khi tỉa cành, tạo dáng, khi lại xới đất trồng cây. Chị Khuyên làm việc gần như chẳng thể ngơi tay trên cánh đồng hoa rộng đến 7 mẫu tại thôn Vân Đài, xã Chí Hòa (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Chị Khuyên nói rằng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, chị đã xác định sẽ quay về quê hương sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng, ra trường nữ kỹ sư trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã xin vào làm việc Viện Nghiên cứu Rau Quả, cũng tại nơi này, chị Khuyên và anh Nguyễn Quốc Thịnh đã có cơ hội gặp nhau.
Vườn mẫu đơn rực rỡ nở hoa trên cánh đồng chiêm trũng
Hai người đều có sở thích giống nhau là đam mê về các loại hoa. Chính những tháng ngày làm việc bên nhau, cả hai đã nảy sinh tình cảm rồi nên duyên vợ chồng. “Lúc đó chúng tôi chuyên nghiên cứu về lan Hồ Điệp. Dự định sau đó sẽ về Thái Bình và làm hoa chậu Ngọc Thảo, Tuy Luýp, Ly… nhưng dự định này không thành bởi đầu ra nhỏ lẻ, trong khi mình muốn làm số lượng lớn”, chị Khuyên kể lại.
Hoa mai mai Vạn Phúc khoe sắc
Mang theo kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh và ý chí quyết tâm, vợ chồng chị Khuyên sau khi về Thái Bình đã thuê lại 7 mẫu ruộng tại thôn Vân Đài, xã Chí Hòa, đầu tư hàng trăm triệu đồng để đổ cột bê tông và mua dây cáp làm giàn cho hoa thiên lý.
“Trước khi trồng thiên lý tôi đã tham khảo mô hình này tại Hải Dương nhưng khi về Thái Bình áp dụng thì thất bại toàn tập. Do chất đất không hợp, ngoài ra chỗ ruộng tôi thuê rất trũng, mưa là ngập nên thiên lý đã chết sạch”, chị Khuyên nhớ lại.
Vợ chồng chị Khuyên, anh Thịnh đã phải đầu tư rất nhiều công sức để cải tạo cánh đồng chiêm trũng…
Tuy nhiên, chị Khuyên nói rằng, “nản chí không phải là tính cách của tôi”. Thất bại chị Khuyên xem đó là bài học và cần rút ra kinh nghiệm cho lần sau. Là kỹ sư nông nghiệp chị Khuyên hiểu hơn ai hết, không không phải cứ cắm cây xuống đất là sẽ mang về thành công.
Khởi nghiệp năm 2016 và một năm sau đó Thái Bình trải qua trận lũ lớn. Cả cánh đồng ngập trắng. Vợ chồng chị Khuyên dù đã dùng đến 4-5 máy bơm để bơm nước cứu cây nhưng hoàn toàn vô vọng. Toàn bộ cây chết sạch, hai vợ chồng trắng tay.
“Bắt” cây nở hoa trên những thửa ruộng từng bị bỏ hoang
“Thật ra trận lũ năm đó lại là điều may mắn bởi cho tôi bài học rằng, ở vùng đất này không thể trồng được cây chịu nước kém. Lần đầu mới khởi nghiệp đã học được ngay bài học nhớ đời. Từ bài học đó, cho tôi những bước đi chậm hơn nhưng chắc chắn hơn và cũng thành công hơn”, chị Khuyên chia sẻ.
Sau khi xóa sổ cây thiên lý, vợ chồng chị Khuyên đã đến tham khảo các mô hình trồng hoa ở các hộ dân trong vùng. Quay về, hai vợ chồng bắt đầu trồng thử nghiệm. Cuối cùng chị Khuyên chọn cây mẫu đơn làm cây trồng chủ đạo. Bên cạnh đó, nữ kỹ sư cũng trông thêm các loại cây như tùng, mai Vạn Phúc và nhài Nhật, tường vi, trắc bách diệp…
Thành quả sau những giọt mồ hôi
Chị Khuyên sinh ra ở Nam Trực, Nam Định – vùng quê trồng cây cảnh nức tiếng miền Bắc. “Lớn lên ở làng cây cảnh, ‘gen’ trồng cây chắc ngấm vào trong máu rồi ‘vận’ vào đời tôi. Đến bây giờ, tôi tiếp tục gắn bó với cây”, chị Khuyên hài hước nói.
Mặc dù được tiếp cận với kỹ thuật trồng cây từ bé và sau đó được đào tạo rất bài bản tại trường đại học nhưng khi bắt tay vào công việc trồng hoa, vợ chồng chị Khuyên cũng đối diện với không ít khó khăn.
Vườn hoa đẹp như tranh vẽ chuẩn bị phục vụ thị trường Tết
“Trong trường tôi chỉ được học về cây chủ lực như lúa, ngô, khoai, sắn, chè, cà phê, về cây hoa cây cảnh cũng chỉ học cây hoa chủ lực như hoa đào, hoa cúc. Cánh đồng hoa hiện tại tôi học từ người dân địa phương và từ những trải nghiệm thực tế”, nữ kỹ sư chia sẻ.
Theo chị Khuyên, khó nhất khi trồng hoa và cây cảnh là sắp xếp cây trồng sao cho hợp lý. Trên diện tích 7 mẫu, phải chia ra từng lô, từng hàng, trồng từng loại. Chị Khuyên cũng lựa chọn trồng, chăm các loại cây 2 năm mới xuất bán, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị của cây mà hạn chế việc làm lại đất. Đồng thời, kết hợp các loại cây tạo thành các tầng cao, thấp để tận dụng tối đa diện tích, hạn chế cỏ, không cho ánh nắng chiếu vào đất để các loại cây phát triển tốt hơn. Tất cả các loại cây đều có chung đặc điểm phải chống được ngập nước.
Hiện nay, trên diện tích 7 mẫu tại thôn Vân Đài, xã Chí Hòa, vợ chồng chị Khuyên đã trồng hàng chục loại cây khác nhau. Ngoài ra, chị Khuyên cũng quy hoạch một vườn ươm cây giống rất lớn và hoàn toàn chủ động về giống.
Cũng theo tiết lộ của chị Khuyên, vợ chồng chị đã mở rộng thêm 3 vườn cây trên đất Thái Bình, mỗi vườn 5-10 sào. Đặc biệt, nữ kỹ sư đã thuê thêm 4 mẫu đất tại Nam Định và đã “trồng thử nghiệm” được một năm nay.
“Thành công ở Thái Bình không có nghĩa sẽ thành công tại Nam Định. Do vậy, dù đã trồng được một năm nhưng tôi vẫn xem đây mới là những thử nghiệm ban đầu”, chị Khuyên chia sẻ.
Hôm chúng tôi về thăm cánh đồng hoa của vợ chồng chị Khuyên đúng lúc những chiếc container đang xếp hoa lên thùng xe. Chị Khuyên vui mừng cho biết, hàng của chị rất đắt khách, khách đến từ khắp các tỉnh thành và thường phục vụ cho các công trình lớn.
“Tôi bán hàng online, tiêu thụ rất mạnh. Nếu như người dân tại địa phương vẫn bàn hàng theo kiểu truyền thống, mang hàng ra chợ hoặc đi nhập thì bán online thuận lợi hơn nhiều, không có hàng để bán”, chị Khuyên chia sẻ.
Không bao giờ nản chí là bí quyết giúp chị Khuyên có được thành công
Không chỉ “bắt” cánh đồng chiêm trũng nở hoa, làm giàu cho gia đình, nữ hội viên Hội LHPN xã Chí Hòa Đoàn Thị Khuyên còn tạo ra việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với thu nhập ổn định.