Thực hiện thành công mục tiêu “Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái” vừa là chìa khóa, vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác – đó là khẳng định của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tại Hội thảo tham vấn thực hiện mục tiêu 5 trong chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Hội thảo tham vấn thực hiện mục tiêu 5 “Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái” trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng tổ chức diễn ra tại Hà Nội vào sáng 12/8 đã thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu quốc tế, bộ, ngành, các chuyên gia, Hội LHPN một số tỉnh thành phía Bắc.
Hội thảo nhằm tham vấn các ý kiến của các cơ quan, các tổ chức, chuyên gia về nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế và hoạt động cụ thể thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 5, từ đó làm cơ sở kiến nghị góp phần xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2015-2030 nói chung, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam nói riêng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, Đại hội Đảng XII khẳng định: “Thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc; lồng ghép hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, từng ngành, từng địa phương”. Chủ tịch Hội nhấn mạnh, mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái vừa là chìa khóa, vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác. Qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò của phụ nữ, khẳng định sự cần thiết, lợi ích của việc quan tâm đến phụ nữ, bình đẳng giới trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam nêu rõ, bình đẳng giới là vấn đề được đặt ở vị trí trung tâm, xuyên suốt của Chương trình nghị sự mới về phát triển bền vững. Để thực hiện thành công các mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu số 5, cần có những chương trình hành động cụ thể cũng như sự chung tay, góp sức của rất nhiều quốc gia. Cần xác định được đâu là rào cản, trở ngại trong quá trình thực hiện bình đẳng giới; cần có sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ, đồng thời cũng phải thấy rõ, phát triển bền vững không phải chỉ là việc của Chính phủ mà là của tất cả mọi người, của tất cả các bộ, ngành, các tổ chức, thành phần, đối tượng trong xã hội. Bà cũng bày tỏ tin tưởng sâu sắc, Chính phủ Việt Nam sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe các tham luận tiếp cận với nội dung của mục tiêu phát triển bền vững số 5 “Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái”; tập trung thảo luận, đề xuất các khuyến nghị đối với Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam nhằm đảm bảo lồng ghép giới trong Kế hoạch hành động quốc gia và việc giám sát việc thực hiện bình đẳng giới trong quá trình thực hiện kế hoạch này.
Các ý kiến tại hội thảo sẽ được Hội LHPN Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu để xây dựng giải pháp, chương trình hành động của Hội thực hiện mục tiêu số 5 trong thời gian tới.
Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc thông qua vào năm 2015 với 17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu, trong đó mục tiêu số 5 là một mục tiêu riêng về bình đẳng giới nhằm xây dựng một thế giới mà trong đó mỗi người phụ nữ và bé gái được hưởng bình đẳng giới một cách đầy đủ và tất cả các rào cản về mặt pháp lý, xã hội và kinh tế đối với việc trao quyền cho họ đều bị loại bỏ. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định tại Hội nghị, Việt Nam cam kết hỗ trợ và huy động mọi nguồn lực, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cộng đồng, người dân để thực hiện thành công chương trình. |