Thứ Năm , 21/11/2024

Sự cần cù, năng động, tự tin tạo nên những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Cùng đoàn công tác của Hội LHPN tỉnh Thái Bình về kiểm tra công tác Hội và phong trào phụ nữ 6 tháng đầu năm 2017 tại xã Minh Hòa, tôi xuống thăm mô hình phát triển kinh tế của một số chị em trong xã. Được tận mắt chứng kiến những thành quả lao động của chị em, tôi thấy rất vui, cảm phục và tự hào về các chị: năng động, tự tin tạo nên những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, không chỉ tạo việc làm cho nhiều chị em khác mà còn làm giàu cho gia đình, làm đẹp cho quê hương.

Người tôi gặp đầu tiên là chị Nguyễn Thị Lan, sinh  năm 1982, hội viên phụ nữ chi hội Vĩnh Bảo, xã Minh Hoà. Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, chị dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn rộng gần 1 mẫu, vừa là diện tích chuyển đổi của gia đình, vừa là diện tích thầu của xã. Nhìn những luống hoa hồng, cúc nở đẹp tươi, những giàn bí xanh sai trĩu quả, những luống dưa hấu mới trồng, tôi thấy rõ sự cần cù của vợ chồng anh chị. Với mức đầu tư khoảng trên 50 triệu đồng/ năm mua giống cây và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng bằng kinh nghiệm và sự đam mê của người làm vườn, mỗi năm vườn của gia đình chị Lan cho thu nhập vài chục tấn bí, dưa hấu, dưa lê và hàng trăm lứa hoa tươi. Trừ chi phí cho thu nhập bình quân từ 200 – 250 triệu đồng/năm.

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Lan, hội viên phụ nữ chi hội Vĩnh Bảo, xã Minh Hòa

Đoàn chúng tôi đi tiếp, đến thăm cơ sở may khăn của chị Nguyễn Thị Minh, thôn Cộng Hòa. Sinh năm1987, quê xã Chí Hòa. Chị Minh xây dựng gia đình với anh Hoàng Quý Công,  xã Minh Hòa. Được đào tạo về chuyên ngành kế toán  Đại học dân lập Thăng Long, Hà Nội. Sau khi lập gia đình, được bố mẹ cho ở riêng, chị Minh đã năng động bàn với chồng manh dạn vay vốn mở xưởng may khăn. Từ xưởng may nhỏ, cùng với số vốn của gia đình, vợ chồng chị vay thêm Quỹ tín dụng nhân dân 200 triệu đồng đầu tư mua máy móc với tổng số vốn trên 700 triệu đồng và thành lập Công ty TNHH dệt may Minh Huy vào năm 2014 .

Với 12 máy dệt, 30 máy khăn, 1 máy dọc, 1 máy đóng kiện, vợ chồng chị đã  tạo việc làm cho trên 30 lao động là người trong thôn, trong xã và xã bạn. Khi được hỏi về thu nhập, nhiều chị em làm việc ở đây đã rất vui vẻ chia sẻ: Làm ở đây có công việc ổn định lại được làm gần nhà, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/ người/tháng, có đồng lương ổn định chị em có điều kiện để cải thiện cuộc sống và đầu tư cho các con ăn học. Công việc của chị Minh cùng chồng quản lý công nhân, trực tiếp làm kế toán của Công ty và chăm sóc con nhỏ, chồng chị đi giao dịch các bạn hàng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm dệt may của gia đình chị được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập gần 400 triệu đồng.

 

Chị Bùi Thị Hương, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh Thái Bình thăm Công ty THHH dệt may Minh Huy, thôn Cộng Hòa, xã Minh Hòa.

Đoàn chúng tôi về thôn Thượng Lãng, vào thăm gia đình chị Lộ Thị Bẩy, 46 tuổi. Tôi đã về thăm gia đình chị cách đây 3 năm, lúc ấy hai con của chị còn đang học Đại học, giờ các cháu đã học xong, có việc làm ổn định và đã lập gia đình. Nhìn nét mặt rạng rỡ của chị, tôi cảm nhận chị đang rất hạnh phúc vì các con chăm ngoan, học giỏi, nay đã trưởng thành và hiệu quả từ mô hình làm kinh tế của gia đình đã giúp chị trang trải cơ bản số tiền vay đầu tư sản xuất.

Gia đình chị Bẩy nhận thầu 4 mẫu ruộng cấy giống lúa Bắc thơm và lúa nếp, nuôi hơn chục con lợn, 1 ao cá  có diện tích 4,5 sào, trên vườn trồng khoảng 150 cây mít và bưởi diễn (giống cây được con trai chị mua về từ Học viện nông nghiệp Việt Nam). Khi được hỏi về thu nhập của gia đình, chị rất khiêm tốn, chị đã chia sẻ: Do chịu khó thâm canh sản xuất nên có điều kiện nuôi hai con ăn học, trưởng thành. Đến nay gia đình chị đã trả cơ bản số tiền vay và xây căn nhà mái bằng khang trang, tiện nghi sinh hoạt gia đình đầy đủ, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, các chị cho biết: Bên cạnh những thành quả đạt được còn gặp không khó khăn, vất  vả, đó là chăn nuôi còn phụ thuộc vào giá cả thị trường, dịch bệnh, sản xuất trồng trọt phụ thuộc vài thời tiết, sâu bệnh, sản phẩm dệt may xuất khẩu ra nước ngoài đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đẹp. Trong quá trình phát triển kinh tế gia đình, đã có nhiều lần các chị gặp thất bại, rủi ro nhưng các chị vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình, động viên gia đình, chồng con khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu bằng chính sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm của mình, như lời chị Bẩy nói là “Đất không phụ công người”.

 

Vườn bưởi diễn của gia đình chị Lộ Thị Bẩy, thôn Thượng Lãng, xã Minh Hòa

Chia tay chị Bẩy, đoàn chúng tôi ra về, cảm thấy rất vui vì được biết ở đây không chỉ có chị Lan, chị Minh, chị Bẩy mà còn rất nhiều chị em tiêu biểu trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm,bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đây là sự khởi nghiệp của các chị, nhưng tôi tin các chị sẽ thành công nhiều hơn nữa trong phát triển sản xuất kinh doanh của gia đình mình, góp phần làm giàu cho gia đình, làm đẹp cho quê hương và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Vũ Thị Hương

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện

Trong khoảng

Tin liên quan

Hội LHPN huyện trân trọng thông báo Kế hoạch liên ngành Hội LHPN huyện-Trung tâm …