Thứ Bảy , 04/05/2024

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 55 năm Bác Hồ về thăm Thái Bình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phong trào cách mạng của địa phương, trong đó có phong trào cách mạng Thái Bình và Thái Bình cũng là tỉnh vinh dự được năm lần đón Bác về thăm. Năm 1962, được biết Thái Bình có phong trào lấn biển khai hoang và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên phong trào. Người đến thăm HTX Nam Cường, xã điển hình trong công tác khai hoang lấn biển; thăm và dự Hội nghị phát động phong trào sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh tại xã Đông Lâm.

Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tháng 3 năm 1962

I- THÁI BÌNH 5 LẦN ĐÓN BÁC VỀ THĂM

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phong trào cách mạng của địa phương, trong đó có phong trào cách mạng Thái Bình và Thái Bình cũng là tỉnh vinh dự được năm lần đón Bác về thăm.

  1. Lần thứ nhất: Để động viên tinh thần cán bộ, đảng viên và nhân dân khắc phục khó khăn, đắp đê chống lụt, tích cực tăng gia sản xuất, ngày 10-1-1946, Bác đã về thăm Thái Bình. Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Người đã đến thăm đoạn đê mới vỡ – đê Đìa (xã Hồng An, huyện Hưng Hà).
  2. Lần thứ hai: biết tin nhân dân Thái Bình chỉ trong 3 tháng đã khắc phục được hậu quả do vỡ hai quãng đã gây ra, để biểu dương thành tích gia tăng sản xuất và đắp đê của tỉnh, ngày 28 – 4 – 1946, Bác đã về thăm lại Thái Bình.  Tại nhà trí thể dục (thị xã Thái Bình) Bác đã gặp gỡ nói chuyện với 5 vạn cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
  3. Lần thứ ba: năm 1958, Thái Bình giành thắng lợi lớn trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã, để động viên phong trào, ngày 26 – 10 – 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình lần thứ ba. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Người tới dự Đại hội sản xuất Đông – Xuân tỉnh Thái Bình. Tại sân vận động thị xã, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi nói chuyện với 4 vạn đại biểu nhân dân các cấp trong tỉnh.
  4. Lần thứ tư: được biết, Thái Bình có phong trào lấn biển khai hoang và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, ngày 26 – 3 – 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên phong trào. Người đến thăm hợp tác xã Nam Cường, xã điển hình trong công tác khai hoang lấn biển. Sau đó, Người đến thăm và dự Hội nghị phát động phong trào sản xuất trong nông nghiệp toàn tỉnh tại xã Đông Lâm.
  5. Lần thứ năm: năm 1966, Thái Bình đã giành được thắng lợi lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Để động viên kịp thời phong trào cách mạng, biểu dương thành tích của cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh, ngày 31-12-1966, Bác về thăm Thái Bình lần thứ năm. Người làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại nơi sơ tán (thôn Đại Đồng, xã Tân Hoà, huyện Thư Trì). Tại đây, sáng 01-01-1967, Bác đã nói chuyện với trên 100 cán bộ đại biểu, đại diện cho bốn vạn đảng viên và trên một triệu đồng bào trong tỉnh.

II- TOÀN VĂNBÀI NÓI CHUYỆN VỚI NHÂN DÂN VÀ CÁN BỘ TỈNH THÁI BÌNH NGÀY 26-3-1962

Thưa đồng bào và các đồng chí,

So với ba năm rưỡi trước đây (từ tháng 10 – 1958), Bác về thăm Thái Bình lần trước thì năm nay tỉnh nhà có tiến bộ về nhiều mặt như tăng vụ, vỡ hoang, thủy lợi, phân bón, v.v… Đó là do sự cố gắng của đồng bào và cán bộ. Đó là điều đáng khen.

Tuy vậy, so với nhu cầu của nhân dân và so với các nơi khác, thì tỉnh nhà tiến bộ còn chậm, vài ví dụ:

Về mặt sản xuất chỉ có hoa màu tăng, còn các thứ khác đều không đạt kế hoạch, như:

– Lúa chỉ đạt 78 %.

– Các cây công nghiệp như bông chỉ đạt: 60%, lạc: 50%, mía: 45%.

– Cây trồng khá nhiều nhưng vì săn sóc kém, cho nên trồng nhiều mà sống được ít.

– Về chăn nuôi, thì số lợn, trâu, bò, cá biển đều sụt.

– Thu mua thóc cho Nhà nước chỉ đạt 82%, thu nợ của ngân hàng còn kém.

– Vì sao vậy? Các cấp ủy đảng, các cán bộ từ tỉnh đến huyện, đến xã cần phải phụ trách, trả lời câu hỏi ấy và phải tìm ra biện pháp thiết thực để tiến lên.

Hiện nay ở tỉnh nhà, 88% tổng số nông hộ đã vào hợp tác xã, trong số đó gần 50% số hợp tác xã có từ 100 hộ trở lên. Về số lượng như thế là vừa tốt. Mỗi hợp tác xã, số xã viên không nên quá ít, vì quá ít thì không đủ sức để phát triển, cũng không nên quá nhiều, vì quá nhiều thì khó quản lý.

Hợp tác xã nên tổ chức và quản lý thế nào cho tốt? Muốn biết rõ điều đó, tất cả đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động là xã viên hợp tác xã cần phải nghiên cứu kỹ “Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm của Trung ương Đảng về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” và bài nói chuyện của Bác về Nghị quyết đó. Cần nghiên cứu kỹ và thực hiện theo đúng Nghị quyết.

Ở đây, Bác chỉ nêu vài điểm:

– Ở tỉnh nhà, bình quân mỗi mẫu tây chỉ bón non 8 tấn phân như thế là còn ít; trong khi đó thì các tỉnh khác đang hăng hái thi đua với hợp tác xã Tân Khang bón mỗi mẫu 54 tấn phân các loại, tức là gần gấp 7 lần ở Thái Bình.

– Số ngày lao động quá ít, bình quân mỗi người mỗi năm chỉ làm việc 180 ngày cả thảy. Như vậy là trong một năm 365 ngày, chỉ lao động một ngày lại nằm nghỉ một ngày! Lao động ít thì sản xuất được ít. Sản xuất ít thì thu nhập được ít. Thu nhập ít thì cải thiện đời sống không được nhiều.

– Ở trong tỉnh có nhiều kinh nghiệm tốt, như:

Hợp tác xã Hiệp Hòa và Đông Lâm tăng vụ, tăng năng suất, tăng nghề phụ khá.

Hợp tác xã Đông Mỹ cải tiến nông cụ khá.

Hợp tác xã Đông Phú chăn nuôi khá.

Hợp tác xã An Cầu tăng năng suất khá, v.v…

Nhưng cán bộ chưa biết phổ biến những kinh nghiệm tốt đó và các hợp tác xã chưa biết học hỏi lẫn nhau.

– Hợp tác xã của đồng bào Công giáo phát triển chậm. Nguyên nhân là do lãnh đạo và cán bộ không đi sâu đi sát.

Chúng ta có những hợp tác xã của đồng bào Công giáo phát triển rất tốt. Vài ví dụ: Ngay ở tỉnh nhà, hợp tác xã Xứ Riến lúc thành lập (mùa thu 1959) chỉ có 5 hộ, nay đã tăng đến 65 hộ. Năng suất mỗi mùa mỗi tăng, đời sống xã viên được cải thiện rõ rệt. Vì vậy mà bà con ngày càng tin tưởng và gắn bó với hợp tác xã.

Hợp tác xã Ngọc Sơn (Thanh Hóa) lúc đầu chỉ có 13 hộ, nay đã tiến lên toàn thôn. Thu hoạch có hộ gấp rưỡi, có hộ gấp đôi. Bà con xã viên đã nói: “Hợp tác xã chúng tôi bây giờ có vác gậy đuổi cũng không ai ra!”.

Đó là mấy kinh nghiệm tốt mà lãnh đạo và cán bộ cần phải phổ biến.

– Về công nghiệp và thủ công nghiệp đều có cố gắng. Nhưng còn phải cố gắng hơn nữa để phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của nhân dân.

– Về văn hóa giáo dục, số người học bổ túc văn hóa tăng nhiều. Ở cơ quan, xí nghiệp, nông trường, số người đi học gần được 100%. Như thế là tốt. Nhưng cần phải nâng cao chất lượng hơn nữa. (Kỳ thi giữa năm, trong 105.000 học viên thì chỉ có 24.000 người đỗ).

– Giáo dục phổ thông – Các trường học đều có tiến bộ. Nhưng các lớp mẫu giáo chỉ có 850 cháu, như thế là quá ít. Cần phải cố gắng mở rộng thêm.

– Vệ sinh phòng bệnh – Số giếng ăn nước và hố xí kiểu mới đều có tăng, cần phải tiếp tục tăng thêm nữa.

– Đời sống mới – Những thói mê tín như đồng bóng, bói toán, cúng lễ đã giảm nhiều. Nhưng thói phô trương lãng phí trong lúc ma chay, cưới hỏi vẫn còn.

Xấu nhất là tệ đánh đập vợ, ép duyên con, thói tảo hôn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Thái Bình phải cố gắng trở thành một tỉnh gương mẫu về mỹ tục thuần phong.

– Về trật tự trị an – Bộ đội, công an và dân quân đều cố gắng làm trọn nhiệm vụ. Đồng thời, toàn Đảng và toàn dân ta phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, luôn luôn sẵn sàng giúp sức bộ đội, công an và dân quân ngăn chặn những kẻ gian phi và đập tan mọi âm mưu địch phá hoại.

Công việc cấp bách trước mắt là đồng bào và cán bộ phải quyết tâm tranh thủ vụ Đông  – Xuân thắng lợi và chuẩn bị tốt cho vụ thu và vụ mùa.

Kết luận: – Thái Bình là một trong những tỉnh nhiều người nhất. Nhân dân sẵn có truyền thống anh dũng và cần cù. Đất đai tốt. Thủy lợi tiện. Lương thực nhiều. Nông nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh.

Tỉnh ta lại có gần 77.000 đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động. Trung ương giao trách nhiệm cho mỗi đồng chí đảng viên và đoàn viên phải nâng cao tinh thần cách mạng, phấn đấu vươn lên, phải chống tư tưởng bảo thủ và chủ quan, chống tác phong quan liêu và đại khái, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân; phải làm gương mẫu, làm đầu tàu cho đồng bào trong phong trào thi đua yêu nước tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh và nâng cao đời sống của nhân dân. Phải ra sức củng cố và phát triển tốt chi bộ và phân đoàn. Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm làm cho Thái Bình trở nên một trong những tỉnh khá nhất, để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.

Bác nhờ các đồng chí chuyển lời thân ái của Trung ương và của Bác đến đồng bào, bộ đội và cán bộ các nơi. Bác đặc biệt gửi lời khen ngợi các cháu thanh niên và các xã viên đang hăng hái xung phong đi vỡ hoang ở các nơi.

III- 55 NĂM THÁI BÌNH THỰC HIỆN LỜI BÁC DẠY

Trong suốt 55 năm qua (1962- 2017), những tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân tình và mong muốn của Bác đã khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Thái Bình, trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn cách mạng.

Thái Bình luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, trở thành điểm sáng ở miền Bắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế phát triển tương đối toàn diện, điển hình là trong nông nghiệp. Tính đến năm 1975, tổng sản lượng lương thực tăng gấp 2 lần, chăn nuôi tăng gần 3 lần so với năm 1954. Quan hệ sản xuất mới được xây dựng và củng cố. Đời sống văn hóa – xã hội phát triển mạnh mẽ. Cơ sở vật chất kỹ thuật được kiến thiết một bước cơ bản, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn nghèo nàn, lạc hậu trước đây.

Ngay trong khói lửa chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng lao động nam giới được huy động cho chiến trường, lao động còn lại ở địa phương chiếm từ 70-75% là nữ, nhưng Thái Bình luôn dẫn đầu năng suất lúa toàn miền Bắc, đạt bình quân 5 tấn/ha năm 1966; 6 tấn/ha năm 1972; 7 tấn/ha năm 1974. “Quê hương 5 tấn” Thái Bình là niềm tự hào, là biểu tượng về tinh thần nỗ lực thi đua lao động sản xuất nông nghiệp của cả miền Bắc khi đó. Với tinh thần “Thái Bình dốc lòng chi viện cho tiền tuyến”, mặc dù chỉ chiếm 5% diện tích canh tác của miền Bắc, Thái Bình luôn đóng góp cho Nhà nước từ 10 – 12% tổng lượng lương thực huy động của miền Bắc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1965 đến 1975, nhiều người con quê hương đã lên đường tòng quân, đi Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ chiến đấu, và phục vụ chiến đấu, chiếm 18% dân số toàn tỉnh. Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân so với dân số cao nhất miền Bắc. Khi đế quốc Mỹ dùng không quân và hải quân phong tỏa, đánh phá miền Bắc, với phong trào “toàn dân đánh giặc”, quân và dân Thái Bình đã bắn rơi 44 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến của địch, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và của cải, cùng toàn miền Bắc “chia lửa” với chiến trường miền Nam, góp phần bảo vệ vững chắc hậu phương xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm 1975 – 1986, Thái Bình nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời làm tròn nghĩa vụ hậu phương trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thái Bình tiếp tục là điểm sáng của cả nước trong xây dựng mô hình cấp huyện, đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn, chi viện nhân lực tới khai phá các vùng kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước, từng bước ổn định đời sống nhân dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ Thái Bình đã vận dụng và cụ thể hoá phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Đặc biệt, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế ổn định và tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm GRDP tăng 10,28%, là năm đầu tiên trong vòng 6 năm qua, tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số, cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi phương thức tổ chức, quản lý, khuyến khích phát triển sản xuất, thực hiện mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và hộ nông dân. Tính đến tháng 2 năm 2017, toàn tỉnh có 168 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, phường, thị trấn có nước sạch phục vụ nhân dân.

Các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ đạt kết quả tích cực. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Số lượng học sinh các cấp học được duy trì, chất lượng phổ cập giáo dục được nâng cao; phương pháp dạy và học từng bước được cải tiến; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và tỷ lệ học sinh giỏi đạt các giải quốc gia, quốc tế duy trì ở mức cao; là năm thứ 3 liên tiếp có học sinh đạt Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hoá, số trường đạt chuẩn quốc gia đến nay là 79,8%, tăng 3,4% so với năm 2015.

Hoạt động khoa học và công nghệ, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đời sống được triển khai tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ được tăng cường.

Các hoạt động thông tin, truyền thông, báo chí, văn học nghệ thuật phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao phát triển sôi nổi, rộng khắp, nhất là trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương. Thể thao thành tích cao đạt kết quả khá tại các giải thi đấu quốc gia, khu vực và quốc tế. Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước được chú trọng. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá và quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao, du lịch được tăng cường; đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý và tổ chức lễ hội, các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá trên địa bàn.

Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số – kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai thực hiện tích cực, chủ động, có hiệu quả. Hoạt động khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến được đảm bảo. Các cơ sở y tế thực hiện rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người bệnh, từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế.

Các cấp, các ngành đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời chính sách đối với người và gia đình có công, các chính sách xã hội; duy trì thường xuyên công tác bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân và giữ vững ổn định chính trị – xã hội ở các địa phương. Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường; tình hình chính trị – xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tư tưởng từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Đã chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hôi Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác; quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng đã tập trung chỉ đạo củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc ở những tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới; đã rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2015 – 2020 và những năm tiếp theo; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 – 2020. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ và thực hiện chính sách cán bộ, đảng viên được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Đã chỉ đạo bố trí, sắp xếp phó chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn dôi dư theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Xây dựng và triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội.

Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; tăng cường giám sát đảng viên là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan tư pháp thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc thực hiện quy trình tố tụng; chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; chủ động nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả những tồn đọng, bức xúc nảy sinh ở cơ sở, nhất là phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Công tác dân vận của hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực. Đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế giám sát và phản biện xã hội được chú trọng thực hiện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và công tác dân vận của chính quyền; tăng cường công tác nắm tình hình nhân dân, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp, phát sinh ở cơ sở. Quan tâm chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo, công tác nhân quyền; kịp thời giải quyết một số vụ việc về tín ngưỡng, tôn giáo ở cơ sở; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo thực hiện đúng pháp luật.

Công tác xây dựng chính quyền tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Tập trung kiện toàn các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2016 – 2021 sau bầu cử theo đúng luật định. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp, hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp, quyết định đúng đắn những vấn đề quan trọng của địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; phát động và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước, chương trình hoạt động gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn đoàn viên, hội viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các tổ chức đoàn, hội được củng cố, phát triển; số lượng đoàn viên, hội viên được nâng lên. Đã tích cực dạy nghề, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khoa học – kỹ thuật cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra:“Tăng cường đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; giữ vững ổn định chính trị – xã hội; huy động mọi nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đẩy mạnh phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để xây dựng tỉnh Thái Bình sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại”. Trước mắt, lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tới, trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về công tác xây dựng Đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Xây dựng chính quyền các cấp và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện kiên quyết và quyết liệt cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong tất cả các hoạt động hành chính gắn với xây dựng và thực hiện cơ chế đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, trước hết là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Thực hiện cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung xây dựng khu vực ven biển thành trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Thường xuyên củng cố, xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường, nâng cao chất lượng công tác nắm, dự báo tình hình; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc mới nảy sinh ngay tại cơ sở; triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, từng bước kiềm chế và làm giảm tội phạm hình sự; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng thẩm quyền của từng cấp. Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng con người phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; chú trọng đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tăng cường quản lý phát triển xã hội; giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; thực hiện tốt chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đồng thời, thực hiện ba đột phá chiến lược thúc đẩy, tăng trưởng kinh tế địa phương: Tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối với các trung tâm kinh tế vùng của quốc gia. Xây dựng khu vực ven biển thành trọng điểm phát triển kinh tế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Với những thành tích, đóng góp, hy sinh to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động v.v…Đến nay, toàn tỉnh có 332.827 người được Nhà nước ghi nhận có công với cách mạng, trong đó có 916 người được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng; 258 người được công nhận là cán bộ Tiền khởi nghĩa; hơn 5000 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; trên 100 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; hơn 50 ngàn người con của quê hương Thái Bình đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; 32 nghìn thương binh, bệnh binh; gần 50 nghìn gia đình có công với nước.

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ tư (1962-2017), chúng ta bồi hồi, xúc động, thành kính tưởng nhớ và biết ơn những tình cảm sâu nặng, ân tình và công lao trời biển của Bác. Thành kính tưởng nhớ và biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta trân trọng công sức, trí tuệ của các thế hệ cha anh đã đổ bao mồ hôi công sức bồi cơ, lập nghiệp và xây đắp nên mảnh đất này. Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, chúng ta nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn; ra sức phấn đấu xây dựng Thái Bình phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình

 

Trong khoảng

Tin liên quan

Thông tin về cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 khóa XIII

Hưởng ứng cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 …